Monday, September 6, 2010

SỐNG ANH DŨNG, CHẾT HIÊN NGANG


Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.

Xin mượn hai câu này của cụ Nguyễn Công Trứ để tặng hương hồn em tôi và các bạn đã bỏ mình trong cuộc vượt thoát đầy cam go và máu, tuy không thành công, nhưng tất cả đã viết lên một trang sử bi hùng cho những cuộc vượt thoát của tù cải tạo.


Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lăm cướp gánh non sông,
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.
(NGUYỄN DU)

Các bạn đã hơn hai tuần băng rừng vượt suối, vượt qua đỉnh Hàm Rồng (theo anh Vũ Mạnh Hùng) và để rồi gục ngã tại làng Bò của người dân tộc, cách trại tù gần 200 cây số, các bạn đã bị bắt, bị đánh đập, và rồi bị bắn chết, xác bị vùi trong đất nông làm phân bón cỏ cây.

Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh.
Nắm xương chôn rấp góc thành,
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi   
(NGUYỄN DU)



Và đây là lời kể của những người đi tìm di cốt sau 32 năm…

…..Hồi đó phát hiện 4 người họ nghĩ là Phun Rô nên rượt đuổi bắn chết 1 người, 3 người còn lại bị bắt , nhốt trong những cái chòi làm bằng lá và đất.(ngưng trích)…….

Ba người này là Hùng, Hòa và Khánh (theo Vũ Mạnh Hùng )

……Sau đó anh tôi (Hòa) lại thoát chạy ,bị rượt đuổi và bị băn chết bởi toán du kích cùng công an xã hồi đó .Thương cho anh tôi nằm xuống ở tuổi 25, tuổi xuân phơi phới tràn đầy sức sống! (ngưng trích)

Lúc này Khánh đã bị thương, Hùng đang bị thẩm vấn, Hòa bị phát hiện ngay khi tháo chạy với hai tay còn bị trói nên gây tiếng động (theo Vũ Mạnh Hùng)

……Không tìm được đúng hướng đã chạy tới ngay sau trụ sở ủy ban xã,cạnh đó lại là nhà của đồn trưởng công an biên giới, (ngưng trích)

…….Lời của một già làng đã nói: Tại nó sợ quá nên mới chạy chứ không chạy bọn tao đâu có bắn. (ngưng trích)

CUỘC TÌM KIẾM TƯỞNG CHỪNG VÔ VỌNG

Cuộc tìm kiếm em tôi nung nấu trong tôi ba mươi mấy năm qua, từ ngày gặp anh Cương trên đường phố Sàigòn đổi tên, khi cả tôi và anh ấy đang là phu xích lô, tim tôi quặn thắt mà nước mắt không dám trào ra, tôi nhận lời thông báo từ anh ấy, không kịp nói lời cám ơn, vội vàng từ giã, và rồi mất luôn liên lạc vì sau đó tôi lại vào tù lần thứ hai.

Ra tù, tôi lấy đại ngày tử là ngày rầm tháng bảy để xin má tôi thờ vọng Hòa, chờ ngày tôi tìm được ngày đích xác, ngày ấy đã có rồi nhưng má tôi cũng đã ra người thiên cổ, có ai nghĩ ra rằng cuộc tìm kiếm phải đợi 32 năm mới hoàn tất ???

Trại Gia Trung

Tôi tìm em trong vô vọng, tôi không hề nghĩ đến trại Gia Trung, vì là Hòa là một Ch/uý mới ra trường, chưa nặng ký lắm, tôi chỉ hỏi thăm những bạn tù Xuyên Mộc, Suối Máu, Phước Long vv... câu trả lời là không, tôi gần như tuyệt vọng cho đến một ngày, 11 tháng Bảy năm 2010, bạn tôi, Thịnh Rôbô, hối hả tìm tôi, báo tin về bài viết của anh Nguyễn Hoàng Sơn trên website Hội Quán Phi Dũng, được đăng lại trên trang web Bất Khuất.
(Xin có lời cám ơn rất chân thành đến Thịnh Rôbô, dù là bạn thân, nhưng hãy nhận lời cám ơn này của gia đình tôi), tôi đọc bài viết, đúng là câu chuyện về Hòa, để biết rõ hơn, tôi nhắn tin tìm anh Sơn trên website Cánh Thép

Tìm tác giả của bài viết 'Cuộc vượt ngục đẫm máu trại tù Gia Trung"
Thưa quí Niên trưởng Không Quân
Tôi tên là Thuận, anh ruột của Hòa 81 được nêu lên trong bài viết.
Thưa các anh, qua hơn 30 năm tôi cố gắng đi tìm những người bạn của Hòa, những ai biết được câu chuyện vượt ngục này để cố gắng xác định nơi Hòa nằm xuống và ngày tháng hầu gia đình lo cúng giỗ để anh linh Hòa siêu thoát, mọi sự tưởng như vô vọng, thật là may mắn tôi được đọc bài viết của anh Sơn, tôi cố gắng truy cập để tìm số điện thoại nhưng không có nên đành phải viết dài dòng như thế này, mục đích là muốn liên lạc trực tiếp người viết để hỏi thêm vài chi tiết, mong rằng có ai đó trong các anh quan tâm giúp đỡ và thông báo lời nhắn này, tôi rất cám ơn và mong muốn được hàn huyên cùng các anh.
Xin cám ơn
Thuận .
Lúc này không biết anh Sơn đang làm gì mà không chịu lên website Cánh Thép, theo tôi, đây là một trong những trang web thông minh với nhiều thông tin bổ ích, xin cám ơn các anh đã chuyển dùm tôi lời nhắn này.

Chờ hoài không được, lòng tôi nôn nóng, lời hứa tự trong tim làm tôi đau nhói, tôi quyết tâm tìm, và tôi gởi email cho người điều hành website Bất Khuất,

Các bạn thân mến
Tôi là Thuận, khóa 9B72, tình cờ đọc bài viết của anh Nguyễn Hoàng Sơn về chuyến vượt ngục đẫm máu ở trại tù Gia Trung, trong đó có em tôi là Hòa, Nguyễn văn Hòa, không phải  Trần văn Hòa, bao năm qua tôi cố tìm nơi nó nằm xuống nhưng chưa có cơ hội, nhân đọc bài viết này, tôi nghĩ rằng mình đang gặp may, mong anh Sơn khi đọc được thư này làm ơn gọi cho tôi ở số 510-663-9948 ngày hay đêm, tôi tìm xác em tôi, xin anh giúp tôi tìm xác đồng đội của mình.
Nhờ các bạn trong Diễn Đàn Bất Khuất thông báo cho anh Sơn dùm, cám ơn các bạn

Lần này thì tôi thành công, bạn batkhuat872 đã trả lời (xin chân thành cám ơn bạn batkhuat872) và giới thiệu qua anh Hùng, tự Hùng Nhô (372) tận bên Úc. Lời nhắn trở lại của anh Hùng trên website Cánh Thép đã có hiệu quả, hoan hô anh Hùng, anh Hiếu nhập cuộc và rồi anh Sơn đã lên tiếng, THAY MẶT GIA ĐÌNH XIN CÁM ƠN TẤT CẢ CÁC BẠN.

CUỘC TÌM KIẾM BẮT ĐẦU

Tuy thế, thời gian quá lâu, vật đổi sao dời, tôi phải tìm tới tâm linh, tôi điện thoại về VN tìm nhà ngoại cảm, bằng cách nhờ người quen, bằng điện thoại, nhưng sau khi kiểm chứng, tất cả đều không thể tin được, cuối cùng, tình cờ trên website PhiDũng, và kế đến là website RFA đăng tin về vụ hai nhà ngoại cảm Đà Nẵng tìm ra (???) hài cốt của Phi Đoàn Tinh Long 07, tôi như người sắp chìm vớ được phao, tôi email cho anh Trương nguyên Thuận, và qua anh, tôi làm quen với các nhà ngoại cảm, xin có lời cám ơn anh Trương nguyên Thuận.

Qua tìm hiểu, trại giam Gia Trung có 6 trại, nhưng nằm đâu thì không ai xác định được, những người bạn tù của tôi không ở trong cuộc cũng chỉ biết lờ mờ về tọa độ, anh Sơn cho hay là trại K1, nhưng K1 nằm đâu???

Câu hỏi thật khó trả lời cho tôi và các chị em tôi, những người tôi giao nhiệm vụ đi tìm, họ là những người dân bình thường, là nhà giáo, là nhà khoa học đã tốt nghiệp Đại Học, chưa hề đi lên cao nguyên huống chi là nói tới biên giới.

Thôi đành ra đi bằng niềm tin tuyệt đối vào tâm linh, cầu mong sự phò hộ của tổ tiên ông bà, cầu mong Hòa sống khôn thác thiêng đưa đường dẫn lối, cầu khấn và cầu khấn, lòng  tôi như lửa đốt trong những ngày hai gia đình chị em tôi và hai đứa cháu trên đường đi lên Mường Dan, Gia Lai , VN là ngày, Mỹ là đêm, bao nhiêu ngày đi tìm bên đó là bao nhiêu đêm tôi thức trắng, tôi hối hận, tôi ân hận, tôi tự dày vò tại sao tôi không tự mình đi mà lại đẩy chị em tôi vào vùng nguy hiểm, rủi có mệnh hệ gì thì tôi ăn nói làm sao đây. Nhất là hôm bị gài độ giữ lại bên ngoài trại Gia Trung, cứ nửa tiếng là tôi gọi về một lần, cho đến khi cả nhà lên xe đi thì CaLi trời vừa sáng, mệt mỏi thể xác nhưng lòng nhẹ nhàng, thân nhân mình đã ra khỏi vùng hiểm nguy, tôi có một ngày làm việc phấn chấn, lạy trời, tôi không bị ngủ gục khi lái xe.
Trước khi hai gia đình lên đường, tôi làm bài văn tế cho em và yêu cầu đọc trước di ảnh của Hòa, trước bàn thờ ông bà cha mẹ, lòng thầm mong Hòa linh thiêng mà nghe lời khấn nguyện của tôi.

Hòa, chú Hòa, em tôi

Chú, thân chiến sĩ vùi thây nơi gió cát,
Tôi, chí ươn hèn gởi xác, phận lưu vong,
Lời dặn dò của chú ngày xưa, tôi đã làm xong.
Nhưng còn chú, và tôi, mình chưa trọn nghĩa

Ôi nghĩa anh em, ôi tình đồng đội.
Viên đạn thù nào khiến chú nỡ xa tôi
Ai có ngờ đâu ngày ấy chia phôi
Và đó, lần cuối cùng tôi cầm tay chú

Cục đường chia đôi, tay mình nắm vội
Hạt muối se lòng nghe mặn chát đầu môi
Và chú đi, trong vận nước nổi trôi
Tận miền miên viễn.

Bây giờ, anh chị em trên đường tìm kiếm
Bằng lòng tin và chỉ có lòng tin
Nếu linh thiêng chú đừng phụ lòng tin
Tôi chờ, mấy mươi năm, tôi vẫn tin có chú.

Ôi đau đớn cho tim tôi
Tôi mong ngày được khóc,
Đưa chú về với cát bụi thời gian
Để lòng tôi thanh thản trong nỗi đau trần thế

Lời hứa với lòng có thể gần trọn vẹn
Chú nằm đâu ???
Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông
Hồn vật vờ trên cành cây ngọn cỏ

Gió núi mây ngàn mãi đến hôm nay
Nợ núi sông không còn chi để trả
Thôi về đi, đồng đội chú đang chờ
Về đi, em ơi, mẹ cha cũng đang chờ

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI THAM GIA TÌM KIẾM

... Mặc dù không tin lắm vào các nhà ngoại cảm nhưng nghe lời anh Thuận ngày 5/8/2010 chúng tôi vào Đà Nẵng  gặp các nhà “ngoại cảm”. (ngưng trích)

…Sau khi cúng tổ tiên, chúng tôi lên đường từ Huế với nhiều lo âu, cầu khẩn Trời, Phật gia hộ, không một ai trong đoàn nói ra nhưng đều thể hiện niềm tin mãnh liệt chuyến này chắc sẽ có nhiều may mắn thành công.
… Đến Đà nẵng cùng tháp tùng những người tự xưng là “nhà ngoại cảm” tiếp tục hành trình đến Măng Yang ( Tỉnh Gia Lai). Đoàn đã đến Măng Yang vào 12 g đêm hôm đó.

10/8/2010

Từ nhà trọ tồi tàn dơ bẩn của huyện, 5g sáng chúng tôi đến trại Gia Trung, họ hẹn 7giờ 30  sáng quay lại.

        (Vào văn phòng trại có ba người, hai người bốc mộ và em tôi, nhưng trại chỉ cho một mình em tôi vào phòng lưu trữ vì là thân nhân ruột thịt). (theo lời kể của em tôi)

Xin làm việc với trại Gia Trung, từ những tư liệu lưu trữ cẩn thận, các ông quản giáo ở đó đã cấp cho chúng tôi những thông tin: “ Về trường hợp của anh tôi, vượt trại  ngày 12 tháng4/1979, bị bắn chết đâu đó ở vùng Biên giới VN-Campuchia ngày 2 tháng 5/1979, hiện không chôn cất tại khu chôn cất của trại. Chúng tôi hoàn toàn tin vào nguồn thông tin này vì nó được ghi trên loại giấy vàng khè chỉ dùng trong thời bao cấp đó. Họ còn nói họ ủng hộ việc làm của chúng tôi ,nhưng họ không tin chúng tôi có thể tìm ra nơi chôn cất, vì cách trại Gia Trung trên 100km. Họ khuyên chúng tôi nên trở về và lấy ngày đó mà làm đám giỗ cho anh. Lúc đó, thú thật trong lòng tôi cảm thấy vô vọng và buồn vô cùng. (ngưng trích)

Cũng có kẻ mắc vào khóa lính,
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,
Nước khe cơm vắt gian nan,
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
(NGUYỄN DU)

(Dưới đây là cuộc đối thoại giữa em tôi với những công an của phòng lưu trữ hồ sơ tại trại Gia Trung):

-CA: Chị tìm đến đây có việc gì không?
-T:   Tôi có người anh ruột sau 1975  đi tập trung cải tạo ở trại Hóc môn sau đó được chuyển về đây, năm 1979 vượt ngục bị bắn chết, tôi muốn trại cho tôi biết những thông tin về anh tôi mà trại đang lưu giữ.
-CA:  Từ đâu chị có nhưng thông tin này
-T: Tình cờ anh tôi nói chuyện với bạn bè, nghe được chuyện anh Hòa tôi nên dò hỏi
-CA: Những người hồi đó cải tạo ở đây, đến hạn được thả về sau này đi Mỹ cả rồi
-T: Tôi mong các anh tìm lại hồ sơ năm 1979 giúp tôi
-CA: Chị từ đâu đến?
-T: Tôi đến từ Huế và mong các anh hiểu cho nguyện vọng của gia đinh chúng tôi  là tìm được và mang hài cốt anh tôi về mà thôi
-CA: Anh của chị tên gì?
-T: Anh tôi tên Nguyễn văn Hòa, sinh năm 1954

Họ lôi ra xấp hồ sơ giấy vàng khè và cho biết:

-CA: Anh chị trốn trại ngày 12 tháng 4/1979, ngày 2 tháng 5/1979 bị bắn chết ở vùng biên giới VN-Cam puchia
-T: Các anh có biết đích xác nơi chôn anh tôi không?
-CA: Thường những người chết trong trại đều chôn ở đây, và chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho thân nhân di dời, trường hợp anh của chị chắc chôn trong rừng thì chúng tôi không biết.

Thấy tôi có vẻ buồn họ nói:
-CA: Chúng tôi khuyên gia đình nên trở về và lấy ngày 2 tháng 5/79 làm ngày giỗ cho anh ấy chứ chắc chắn không tìm được hài cốt đâu vì biên giới cách đây hơn 100km, mà đã sau 32 năm rồi!
-T: Có thể có ai đó trong các anh biết điều gì không?
-CA: Chúng tôi là lớp trẻ sau này nghe kể lại thôi!

Chợt nhớ ra điều gì, một công an nhấc máy điên thoại và gọi cho ai đó.
-CA: Tôi vừa gọi cho ông cán bộ hồi đó bị nhóm người này búa cho 6 búa nhưng không chết hiện vẫn còn đang công tác tại đây nhưng đang trong thời gian nghĩ phép, (may là ổng nghỉ phép chứ nếu không thì tôi là người nghe ổng chửi và có thể công viêc tìm kiếm chấm dứt ngang đây!), ổng nói hồi đó vết thương nặng, phải điều trị lâu nên ổng không biết.

Tôi không nói gì thêm.

-CA: Chị và gia đình nên về Huế và mỗi năm tới ngày kỵ giỗ cho anh ấy thôi, không nên tìm làm gì, sau mấy chục năm không còn chi để mà hận thù, nhưng chúng tôi không biết nên không thể giúp cho chị được.  (ngưng trích)

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH (TIẾP THEO)

... Khi chúng tôi vào một quán ăn nghèo nàn  trước mặt trại Gia Trung để ăn lót dạ và cúng cho anh tôi 1  bữa ăn sáng thì ông già chủ quán hỏi thăm, chúng tôi kể sơ cho ông nghe sự việc, ông ấy bảo hồi đó ông cùng vài người bạn đi khai thác gỗ  trong vùng đó, có nghe nói 1 toán 7 người vượt trại Gia Trung nhưng có 2 người bị bắn chết tai chỗ, những người còn lại chạy lên vùng thuộc đồn biên phòng 725 hiện giờ, sau đó bị du kich phát hiện bắn chết 2 người, còn mấy anh còn lại bị giải về trại Gia Trung. Lúc này thì tôi tin anh Hòa đang theo chúng tôi từng bước. Chúng tôi đã mời ông già này cùng lên xe đi chỉ đường cho chúng tôi và hứa sẽ hậu tạ nhưng không biết vì lý do gì ông ấy từ chối. Chính ông ấy cũng không tin chúng tôi tìm ra mộ vì đã hơn 30 năm giữa rừng núi, nếu họ đem xác về trại chôn thì trong hồ sơ trại đã có ghi. Thấy tội nghiệp cho chúng tôi ông đã chỉ đường cho chúng tôi lên biên giới. Lúc này chúng tôi quyết định dù thế nào cũng phải lên biên giới cho thỏa lòng, vậy là chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình.

Đi dọc theo quốc lộ 19, đến đoạn rẽ vào đồn biên phòng chúng tôi bắt đầu gặp rắc rối vì khi chúng tôi hỏi đường dân đia phương, người thì nói không biết, người thì chỉ đường sai nên chúng tôi đã phải quay xe lui tới 7,8 lần trên đường rừng đất đỏ Ba zan. Nhìn rừng núi trùng trùng điệp điệp chúng tôi đã nản lòng vì giữa bạt ngàn rừng núi biết tìm anh tôi ở đâu??? (ngưng trích)

... Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện anh Hòa nếu linh thiêng hãy phù hộ cho chị em chúng tôi tìm được anh ấy, cuối cùng, chúng tôi dừng lại hỏi một cậu thanh niên, may mắn thay, cậu ta nói đang trên đường đến đồn Biên phòng 725 và tình nguyện làm người dẫn đường. Lời cầu nguyện của chung tôi đã được đáp ứng!

Đi khoảng hơn 5km cậu ta dừng lại nói đã đến nơi cậu ta muốn đến và chỉ cho chúng tôi tiền trạm của đồn biên phòng cách đó không xa, lúc đó là 12g trưa ngày 10 tháng 8. Thường thì ít khi có mặt đồn trưởng ở đó, nhưng may mắn cho chúng tôi là sáng nay đồn có việc họp và họ mới ăn cơm xong, họ tiếp đãi chúng tôi tốt và hỏi chúng tôi có việc gì mà đến tận đây, sau khi nghe tôi nói rõ sự tình, ông đồn trưởng đã gọi điện cho ông cựu đồn trưởng hỏi xem có nghe hoặc biết về trường hợp của anh Hòa không? Ông ấy nói có biết và nói rõ là bị bắn tại đây (hồi đó đây gọi là làng Bò vì người dân tộc nuôi rất nhiều bò) còn nói gia đình nên dừng lại tìm kiếm ở đây không nên lên tận đồn biên phòng trên biên giới. Ông còn cho biết tên của những du kích và công an xã hồi đó trực tiếp tham gia vụ việc này. Giờ thì chúng tôi có quyền hy vọng sẽ tìm được anh tôi!

Ông đồn trưởng mời chúng tôi nghỉ ngơi ,biết chúng tôi đường xa tới và đây là vùng giáp biên giới, không ai lui tới làm gì nên không  có quán ăn dọc đường, ông đã lệnh cho những người dưới quyền nấu cơm cho chúng tôi ăn. V́ lúc này là giữa trưa nên ổng hẹn sẽ dẫn chúng tôi đi gặp những người có liên quan vào lúc gần 2g chiều. Đây là địa phận thuộc huyện Đức Cơ, xã Ia Pnôn.

Khi chúng tôi ăn cơm xong (khoảng gần 2g ) ông nói vì đường khó đi  mà ổng lại đi xe máy nên chỉ chở được 1 người đi gặp các người đó, chúng tôi hội ý nhanh và quyết định sẽ để chồng tôi đi cùng, chị em tôi lại một lần nữa khấn nguyện với anh Hòa. Chúng tôi ngồi chờ mà lòng hồi hộp,  bồn chồn không thể tả, thương cho anh tôi hơn 20 ngày đêm băng rừng vượt suối khổ sở biết nhường nào để rồi kết cục là phơi xác giữa rừng cách quê hương gần ngàn cây số! (ngưng trích)

...Chúng tôi lên xe đến gặp những người đó, đối mặt với những người từng truy sát anh tôi ... (ngưng trích)

(Trên đường đi của gia đình lên Gia Lai, anh Sơn gọi phone nhắc tôi về anh Giám, nếu tìm ra Hòa thì bốc luôn anh Giám về, tôi nghĩ tại sao không???, cũng là anh em cả, tôi vội điện cho em tôi nói rõ ý tôi về Giám, và dứt khoát phải đem Giám về, hoặc cả hai, hoặc không có ai) .

.... Bọn họ kể, anh Giám ( họ không biết tên), bị bắn chết chôn trong rẫy cao su, còn anh Hòa (họ nói cao hơn anh Giám) chôn ở gần đây.Và họ dẫn chúng tôi đến nơi chôn anh ấy, đó là khu nhà mồ của dân tộc thiểu số Gia rây và Ê đê (gọi là nhà mồ nhưng chỉ là những căn nhà nhỏ tồi tàn trong đó có quan tài để nổi lên trên hoặc chỉ là những cái chum) anh tôi nằm trong lùm cây um tùm, thấy mà xót xa quá!!! Chúng tôi thắp hương nơi anh tôi nằm xuống rồi về lại tiền trạm của đồn biên phòng 725.

Từ lúc này trở về sau chúng tôi đã gặp không  biết bao nhiêu cản trở. Đồn biên phòng nói họ rất muốn giúp đỡ chúng tôi nhưng đây thuộc đia phận của xã quản lý, chúng tôi phải xin phép xã mới được bốc mộ, chúng tôi lại cử chồng tôi vào ủy ban xã xin giấy phép, ban đầu họ đồng ý cho chúng tôi bốc mộ, với điều kiện, phải có từ 3 đến 4 người làm chứng đây đúng  là nơi chôn anh ,chúng tôi đã mời đủ 3 người, thế nhưng sau khi nghe ý kiến của trưởng công an xã thì ủy ban xã  lại đổi ý, lý luận rằng: chúng tôi tới đây mà không vào ngay ủy ban, số là khi chúng tôi đang ở trong tiền trạm đồn 725 thì ông ta đang ăn nhậu ở nhà bên cạnh, ông ta vu khống đồn biên phong đào được vàng mà giữ lại ăn môt mình, còn tay bí thư đảng thì nói thẳng “thằng này dân ác ôn không cho dời”, rồi áp lực lên một dân bản làm ông này từ chối không làm chứng nữa vì sợ, dù trước đó bác này rất nhiệt tình. Chúng tôi lo và buồn, nghĩ không lẽ đã đến đây mà lại về tay không? Khi chúng tôi khẩn khoản xin thì ủy ban hẹn mai sáng trở lên đây họ sẽ giải quyết kèm theo điều kiện phải có những người làm chứng, chứng minh đó là mộ của anh tôi.

Tôi nói cứng với họ: Nếu ngày mai chúng tôi quay trở lại mà các anh không giải quyết thì chúng tôi đành gởi anh tôi lại, chỉ xin một nắm đất về thờ thôi vì dù sao chúng tôi cũng đã mang linh hồn của anh tôi về với tổ tiên rồi!. Nói thì nói thế nhưng ruột gan chúng tôi như lửa đốt, lại cầu nguyện anh Hòa giúp cho mọi chuyện thuận buồm xuôi gió.

Những chức sắc ở đây ai cũng nói nơi anh tôi nằm là  khu nhà mồ nên rất khó cho việc bốc mộ, nếu trong khi bốc mà đụng phải xương cốt của người làng thì phải nộp phạt trâu trắng trâu đen gì đó cho làng, ủy ban lại nói lỡ sau này trong thôn bản có người đau ốm họ cũng sẽ bị làng phạt vạ y như thế. Chúng tôi chưa bao giờ gặp những luật lệ như thế này nên ai cũng rất lo lắng, trời đã về chiều, đồn biên phòng khuyên chúng tôi nên trở về huyện Đức Cơ tìm nơi trọ, sáng mai lên đây tính sau, họ còn nói nếu dân làng không cho phép họ sẽ giúp chung tôi bốc vào ban đêm (dân làng ở đây chiều lại tu tập nhau uống rượu cần, tối 9g là không ai ra đường nữa). (ngưng trích)

(Khi nghe về chuyện bốc lén vào ban đêm, tôi đã gọi về cản ngăn, vì tôi nghĩ rằng đã hiên ngang thì mãi mãi hiên ngang, tại sao lại làm lén, không cho bốc thì về, cát bụi rồi cũng về với cát bụi, và tôi gởi email tâm sự cùng các anh Hùng, Hiếu và Sơn, lúc này bạn đồng hành của tôi là các anh, lại nữa, đêm hôm tăm tối, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra).

...Trở về huyện Đức Cơ với tâm trang rối bời, chúng tôi không ai ngủ được, nhưng ai cũng nghĩ phải cố đem hai anh về ( lúc đi anh Thuận có dặn cố gắng đem anh Giám về vì anh ấy không có người thân). Mọi người cố tìm cho được phương án tối ưu, phân tích nguyên nhân tại sao không được dời mộ? Có thể có những luật bất thành văn chăng? Chắc chắn không phải do không được phép vì những đối xử đúng mực của trại Gia Trung và đồn Biên Phòng đã chứng minh điều đó. Điều cũng rất may là chiều tối đó chúng tôi đã tìm được sự cam đoan và lời hứa của các già làng và một số niên lão: xác định và làm chứng cho sự việc anh tôi bị bắn và địa điểm chôn anh tôi. Đây là tia sáng giúp chúng tôi có hy vọng.

11/8/2010

Sau một đêm không ngủ, lại cùng nhau lên xã Iapnôn. Do đáp ứng đủ yêu cầu của xã về nhân chứng và do những người dân tộc có chôn người thân trong khu vực đó đến xác nhận nơi anh tôi nằm không dính dáng gì đến xương cốt người thân của họ (có một bà già ra chỉ nơi chôn chồng bà nằm cách anh tôi chừng 1,5 m). Nên xã đã đồng ý bằng miệng cho chúng tôi đi xác định nơi chôn anh tôi thông qua du kích xã, (toàn là người dân tộc), đến phát dọn cây rừng cho chúng tôi dưới sự chứng giám của các già làng và niên lão với điều kiên phải trả thù lao cho họ. Còn chuyện bốc mộ phải thỏa mãn một số điều kiện khác.

Xã Ia Pnôn

Khi vùng anh tôi nằm đã dọn sạch cây cỏ, đoàn chúng tôi bắt đầu tham gia xác định phạm vi khuôn đất có hài cốt anh tôi để chuẩn bị cho việc tìm kiếm tiếp theo. Nhờ sự chỉ dẫn chính xác của các già làng và dân quân thời đó mà việc xác định mộ của chúng tôi tiến triển thuận lợi chỉ gói gọn trong một diện tích rất nhỏ khoảng 2m2. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng và dễ dàng cho chúng tôi tìm thấy xác anh tôi sau này.

Lúc này xuất hiện một rào cản khác, già làng đưa ra điều kiện để hốt xác anh tôi về là 10.000.000 đồng / mộ và phải đi vòng đường núi không được qua làng (chi tiết này chúng tôi có ghi âm lại, đó là trao đổi của các nhà “ngoại cảm”  và các già làng). Chúng tôi phải chấp nhận, dù chúng tôi phải cần kiệm từng đồng trong sinh hoạt và thể lực kiệt quệ. Lúc này chúng tôi mới thấy rõ dân ở đây không đơn giản như chúng tôi đã nghĩ, họ bắt đầu lộ rõ bản chất! Nhưng chính vì họ gây khó khăn cho chúng tôi như thế nên chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải đưa các anh về, không thể để các anh sống nơi chốn hoang sơ thêm một ngày nào nữa. Việc bốc mộ bây giờ không chỉ phụ thuộc vào chính quyền mà còn bị ràng buộc bởi hủ tục của người dân tộc.

Xong việc xác định mộ anh Hòa, chúng tôi lên xe đi tìm nơi anh Giám nằm, con đường chung tôi sắp đi là đường rừng mà dân bản men theo đó để đi làm nương làm rẫy, rất hẹp! Nhìn con đường trước mặt, chúng tôi ai cũng lo lắng ra mặt, may mắn chiếc xe chúng tôi thuê thuộc dạng xe leo địa hình và cháu Lộc tài xế lại thuộc hàng cao thủ. Xe nhích lên từng bước vì đường lầy lội sau cơn mưa, thêm vào đó lại gập ghềnh, cây cối hai bên lại vươn ra vì thế hai cháu Bo và Lộc phải thay phiên nhau xuống chặt bớt nhánh cây để xe có thể trườn vào, đi khoản nữa giờ thì đến rẫy cao su mà các già làng nói là nơi chôn anh Giám, muốn lên rẫy phải chui qua bụi rậm leo qua con hào nhỏ rồi vào rẫy, đây là rẫy cao su của một người dân tộc tên là Gian, anh ta người bản khác tới đây bị bắt rể (cưới vợ), ở đây vẫn còn theo chế độ mẫu hệ nên anh ta phải ở nhà vợ, cha vợ anh ta lúc con sống đã chứng kiến việc chôn anh Giám. Đến nơi các già làng chỉ chúng tôi thấy toàn là cao su trồng mỗi cây cách nhau 2m, anh Giám được chôn dưới 1 gốc cây cao su, người dân ở đây nói không hy vọng tìm thấy xác anh vì mỗi năm mỗi cày xới, tội cho anh quá! Chúng tôi thắp cho anh nén nhang sau 32 năm nằm yên nơi rừng thiêng nước độc. Dù thế nào chúng tôi cũng  vô cùng biết ơn các già làng, nhờ họ mà việc xác định vị trí anh Giám nằm không khó lắm. Lúc đó đã hơn 12g trưa chúng tôi cùng nhau trở về huyện Đức cơ và hẹn 2g chiều sẽ lên lại bàn với xã những việc cụ thể để mai sáng lên bốc mộ.

Chiều 11/8/2010

Trên đường về Đức Cơ, chúng tôi suy tính thiệt hơn, làm thế nào để có thể bốc được mộ của cả 2 anh được trọn vẹn, giảm chi phí và phiền hà. Thực tế lúc này những thành viên gia đình muốn có tiền để đáp ứng tất cả đòi hỏi nhưng lực bất tòng tâm.

Chiều đó những người bốc mộ đề xuất bốc mộ anh Giám trước, vì anh ở xa các cơ quan chính quyền và dân cư. Họ nói sẽ bốc mộ anh Giám cho vào ba lô mang về, ngày mai chỉ bốc mộ anh Hòa rồi về luôn. Không hiểu sao lúc này tôi thấy không an tâm về việc làm của họ, nhưng tôi không ngăn cản vì anh tôi ở xa gọi về nói hãy làm theo lời họ sẽ có kết quả. 

 Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi thực hiện phương án này, chồng tôi cùng cháu Bo và cháu Lộc thay phiên nhau đào, người anh đầu đàn của chúng tôi bị sốt ngã nước không thể đi nên phải nằm lại nhà trọ.

Sự việc đến đây xảy ra nhiều rắc rối với dân bản và kế hoạch bốc mộ chút nữa đổ vỡ hoàn toàn.

Lúc chúng tôi đào đất trên mộ anh Giám là lúc những người dân tộc trên đường từ nương rẫy về sau một ngày làm việc, thấy lạ ai cũng đúng lại nhìn, không may cho chúng tôi là Gian chủ rẫy cũng là một người trong số đó, hắn hỏi chúng tôi làm gì, sau khi biết chúng tôi muốn đào đât lên tìm hài cốt hắn cố tình cản trở, sau một hồi điều đình, hắn ngã giá và để được tiếp tục công việc chúng tôi phải đền cho hắn 1triệu đồng/cây, may mà trên mộ anh Giám chỉ có một cây cao su!! Tưởng là không còn gì phải lo chúng tôi tiếp tục công việc dỡ dang, bây giờ là 6g chiều, trời bắt đầu tối dần, các nhà “ngoại cảm” vẫn chưa thấy được hài cốt của anh Giám. Chúng tôi ai cũng nôn nóng vì trời tối phải dùng đèn pin soi mà vẫn chỉ thấy mọi vật mờ mờ. Đang tiếp tuc công việc thì bất ngờ một đoàn già làng kéo đến với những bộ dạng hung hãn, thì ra tên Gian sau khi lấy tiền đền bù đã chạy về làng khoe và sự việc tới tai các già làng, họ sợ nếu bốc được mộ anh Giám rồi chúng tôi sẽ không chung cho họ đủ số tiền như đã hứa nên buộc chúng tôi ngay bây giờ phải ứng trước cho họ 50% số tiền đó, đồng thời họ bắt buộc chúng tôi phải dừng ngay lại. Quả thật chúng tôi rất sợ ! Họ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ riêng của bộ tộc họ nên chúng tôi hoàn toàn không hiểu gì, bóng tối thì gần như bao phủ cả khu rừng. Buộc lòng chúng tôi phải đưa tiền cho họ và thất thểu ra về, (có môt tên trong số đó kéo tay tôi vòi tiền riêng nhưng tôi không cho, chúng tôi đã ghi hình khuôn mặt hắn nhưng rất tiếc máy ảnh đã bị  trấn lột).(ngưng trích)

Bây giờ chúng tôi thực sự khủng hoảng, không biết ngày mai có bốc được mộ các anh không? Bọn họ sẽ còn bày ra những trò gì nữa để moi tiền của chúng tôi, tiền chúng tôi mang đi đã gần cạn ,vợ chồng tôi đã gọi điện cho người quen để vay mượn thêm. (ngưng trích)

Về tới nhà trọ cũng gần 12g đêm. Không ai trong số anh chị em chúng tôi ngủ được, càng bàn bạc chúng tôi càng bế tắc, họ ở trong bóng tối còn chúng tôi ở ngoài ánh sáng, họ có thể hại chúng tôi bất cứ lúc nào nếu họ muốn. Càng nghĩ chúng tôi càng thương cho các anh tôi, thương anh tôi quá! Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Ngày mai sẽ ra sao đây? Chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện: Anh Hòa linh thiêng chứng giám, nếu anh muốn về bên ba mẹ tổ tiên hãy giúp cho chị em thoát khỏi vòng vây này. Ba mạ ơi, phù hộ cho chúng con, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng anh chị em chúng con có thể đoàn tụ bên nhau dù kẻ âm người dương. Khó khăn và gian khổ, chúng con phải làm sao đây????

12/8/2010

            Một đêm ngủ dật dờ đầy ác mộng, đến 4giờ kém 15, chúng tôi sửa soạn cho chuyến cuối cùng tới bản làng Ia Pnôn, (hy vọng sẽ là chuyến cuối cùng!!!). Nào rựa, nào cuốc, nào xẻng......, chúng tôi còn cho vào ba lô cả mùng và chăn mỏng đề phòng khi phải ở lại rừng ban đêm, có cả dụng cụ y tế dùng để cứu thương tại chổ, chúng tôi bàn bạc kỹ để có thể ứng phó bất cứ khó khăn nào. Khi đã sẵn sàng mọi thứ chúng tôi lên đường, đến Iapnôn chỉ mới 5g30, đợi tới 6g cũng chẳng thấy bóng dáng ai, (trong khi họ hẹn sáng 6g lên đây sẽ có tất cả các bên chứng kiến để chúng tôi bốc mộ). Anh D ở đồn biên phòng phải chạy xe máy đến nhà các già làng kêu họ đến, lần lượt bên ủy ban xã, công an xã cũng có mặt đông đủ. Đến 6g30 chúng tôi tiến hành bốc mộ anh Hòa. Chúng tôi lòng hồi hộp và khấn nguyện Trời Phật, cầu mong anh Hòa chỉ đường cho chị em tôi. Đây là vùng đất đồi dốc thoai thoải, qua bao nhiêu năm mưa gió xói mòn, biết là tập quán ở đây chôn người rất cạn nên chúng tôi rất cẩn thận khi đào bới đất, khi đào xuống độ sâu khoảng 20cm thì dùng bay cào nhẹ và trời ơi! Chúng tôi thấy anh nằm đó với thân hình co quắp, không thể ngăn được nước mắt chị em tôi cứ thế tuôn trào, (bây giờ đây khi ngồi viết những dòng này tôi để cho nươc mắt tự do rơi).

Tại phần thân thể anh tôi đất đổi màu đen khác với chung quanh và trũng xuống thấp hơn mặt đất quanh đó, (tiếc là hình ảnh tư liệu quí giá đã không còn), do vậy hiện nguyên hình người nằm đó khố đau! Chị em tôi như bị ai đó xé nát tâm can, có ai hiểu cho chị em tôi khi đối mặt với thưc tế chua xót này! Trước đó người chứng kiến viêc chôn anh tôi nói có gói anh trong bọc ni lông, nhưng té ra chỉ là nói để lập công, mấy hôm nay chúng tôi hy vọng sẽ còn xương cốt của anh ấy dựa vào lời nói đó. Bây giờ khi sư thật đã rõ ràng, họ lại nói người dân tộc rất sợ mọi chuyện liên quan đến người chết nên họ không chôn, bộ đội biên phòng chôn nhưng lúc đó còn quá nghèo nàn lạc hậu không có cái ăn làm gì có bao ni lông mà chôn. Nhận định của tôi là lúc đó họ hất anh tôi vào chỗ trũng rồi lấp đất lên cho có vậy thôi.
          
Bây giờ là công việc của “các nhà ngoại cảm” (hay là các nhà bốc mộ???) chúng tôi đề nghị họ hốt tất cả đất thuộc phần thân thể anh tôi, tất cả đất đen, duy nhất ở vùng cổ còn lại một mảnh xương, âu đó cũng là di vật cuối cùng anh để lại cho gia đình và an ủi chúng tôi đã dấn mình vào chốn hiểm nguy mang anh về với tiên tổ và bây giờ tôi có quyền tin ba mạ tôi đang ngậm cười nơi chín suối.( ngưng trích)

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
(NGUYỄN DU)
         
Bây giờ từng phần thân xác anh Hòa đã được chúng tôi bọc cẩn thận trong giấy điều, (môt loại giấy  màu đỏ chỉ dùng cho các nghi thức cúng kiến), bên ngoài chúng tôi bọc thêm một chiếc áo mưa mới, rồi cho vào ba lô.

Theo thỏa thuận của bản làng và gia đình thì khi bốc xong mộ muốn đi ra khỏi làng chúng tôi không được phép mang hài cốt đi qua cổng làng, mà phải men theo đường rừng khoảng 3km có dân bản dẫn đường. Cháu Bo được phân công cõng cậu ra đường cái. Để tránh tình huống xấu xảy ra, chúng tôi phải nhờ người quen là bộ đội biên phòng bảo vệ trên đường đi. Khi Bo khởi hành cũng là lúc nhóm người còn lại sẽ lên mộ anh Giám tiếp tục công việc đã bỏ dở hôm trước.
           
Lúc này chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, không giao ngay số tiền còn lại và tiền dẫn đường cho họ vì có người có thiện cảm với chúng tôi cho biết: “trên đường đi họ có thể xúi những làng xung quanh chận đường để làm tiền chúng tôi, hay đòi thêm tiền...”.
           
Ở mộ anh Giám công việc có phần nhẹ hơn, vì phần lớn lớp đất trên mặt đã được lấy hết từ chiều ngày 11/8. Chỉ cần tách thêm lớp rất mỏng là đã phát hiện được hình hài anh. Điều thương tâm đối với anh Giám là thân xác không còn nguyên vẹn như trường hợp anh Hòa. Chúng tôi cố gắng lấy tất cả gì phát hiện lúc đó. Lý do: vùng chôn anh là vùng đất canh tác, người ta đã đào xới để trồng cao su. Không như anh Hòa chỉ cần đào sâu 20cm, anh Giám thì chúng tôi phải đào đến độ sâu gần 70cm mới gặp được anh. Thế nằm của anh là nghiêng nghiêng không có gì bao bọc xung quanh, chúng tôi ai cũng chạnh lòng, số phận các anh thật khổ, anh chỉ còn là những nắm đất mà thôi!

Có lẽ tìm được các anh là một huyền thoại, không thể không có sự giúp đỡ, sự linh thiêng, che chở và phò trợ của các anh thì đố ai làm được?. Xin cầu nguyện chư thiên phò hộ độ trì các anh chóng siêu thoát, xin các anh tha tội cho chúng tôi những thiếu sót có thể có, vì chúng tôi đã làm hết khả năng của mình với lòng trân trọng nhất. Như lúc bốc mộ anh Giám, chúng tôi đã cầu nguyện được xin được phép xem anh như là anh em ruột thịt của chúng tôi vì anh là bạn đồng sinh đồng tử của anh tôi.

Cũng như anh Hòa tôi, thân xác anh Giám được chúng tôi tiến hành cẩn trọng từng bước như anh Hòa, tuy nhiên khối lượng bốc ít hơn vì lý do như đã nói ở trên. Anh Giám cũng được chuyển bằng đường rừng, theo một hướng khác, bằng cách như anh Hòa nhưng chỉ ra khỏi địa phận của làng thì người dẫn đường không chịu đi tiếp, lần này các anh biên phòng lại giúp chúng tôi làm người dẫn đường đưa hài cốt anh Giám đi tiếp ra đến nơi anh Hòa đang đợi!

Quan đã được chuẩn bị sẵn, chúng tôi đến một bãi đất trống để tẩm liệm cho hai anh, chúng tôi không cầm được nước mắt khi nhìn hình hài của hai anh bây giờ chỉ gói gọn trong hai quan tài nhỏ. Sau khi bày lễ vật cúng thổ thần để xin phép được đưa 2 anh về, gia đình chúng tôi gồm 5 người lên xe chở quan để khởi hành ra khỏi vùng đất hắc ám này nhanh nhất. (ngưng trích)

NGÔI NHÀ MỚI DÀNH CHO HAI NGƯỜI CON XỨ HUẾ


Nước mắt tôi chạy quanh, khi tôi viết bài này, tôi cũng không cầm được nước mắt, đời em tôi khi sống cũng khổ cực vì nhà nghèo, khi chết cũng đau đớn không kém, và tôi đã làm bài thơ này cho em tôi, trong nỗi đau cùng cực của tôi

Em tôi

Người chiến sĩ năm xưa,
Một người tù không tội
Ba mươi ba năm nằm lại
Làm phân bón cỏ cây

Co quắp, lạnh giá đêm cùng ngày
Một giấc ngủ, không an bình cùng giun dế
Trên thân thể em, phủ cây và rễ
Làm thế nào ủ ấm suốt mùa đông

Trên thân thể em, ba tấc đất lạnh lùng
Làm sao em chịu được với mùa hè oi bức
Thân chiến sĩ nào xá gì cùng cực
Chí anh hùng đâu nệ cảnh gian nguy

Sống hiên ngang, chọn chết hiên ngang
Và em chọn hy sinh, chọn đường vượt thoát
Và em chọn, giấc ngủ dài không bóng mát
Không ấm mình trong tay ấp mẹ cha

Quân thù vùi xác em dưới gốc cây già
Bắt cỏ cây phải thành da ngựa
Giấc ngủ em không còn bình yên được nữa
Khi thanh bình em chưa thấy trên quê hương

Khi lòng thù không buông tha em
Đọa đày em trong ngục tù giun dế
Em nằm, trong hằn học của người trần thế
Không lòng nhân, dù miếng vải quanh thân

Bây giờ, em ngủ, trong tiǹh thân
Tình đồng đội, nghĩa anh em đằm thắm
Hãy mỉm cười đi em
Mỉm cười đi, vì bạn bè trông vọng

Lúc này gia đình chúng tôi không còn bị làm khó bởi địa phương nữa, mà lại bị làm khó bởi những người tự xưng là đại diện cho thế giới bên kia, nhưng dù sao tôi cũng cám ơn họ, vì dựa vào họ mà tôi tự xây dựng niềm tin, và tôi quyết liệt không cho ai xâm phạm niềm tin của tôi, đây cũng là một yếu tố để tạo nên thành công trong trường hợp này.

Tôi yêu cầu gia đình đặt hai vòng hoa thương tưởng đến hai chiến sĩ trong lòng chúng tôi, những đồng đội một thời kiêu hãnh, những đồng tù một thời gian khó, bây giờ kẻ còn người mất, nắm bụi trần đã yên nghỉ trên quê hương, nhưng lòng người viễn xứ vẫn mãi xót xa cho người phận bạc, thôi cũng một kiếp người, cầu mong bạn và em sớm siêu thoát, bạn bè xa gần hàng năm vẫn cúng giỗ đúng ngày, với niềm thương mến vô biên cho bạn và em, xin cám ơn những người bạn này với lòng kính trọng của tôi.

Gia đình tôi theo đạo Phật, chúng tôi làm lễ an táng theo nghi thức Phật Giáo, chúng tôi không biết tôn giáo của anh Giám, coi anh như là anh em trong nhà, lúc đầu không biết họ của Giám, gia đình định cho anh theo họ Nguyễn, may mà được xác nhận mới giữ họ Trần, mong chị Trần Ngọc Anh khi đọc những dòng chữ này thì liên lạc với tôi để biết hiện giờ anh ấy đang nằm đâu, chúng tôi đã làm bia mộ cho hai đồng đội, đẹp đẽ, khang trang.


Giữa gió núi mây ngàn bên bờ sông Hương núi Ngự, bên cạnh tiếng chuông chùa ngân nga, ngày đêm nghe câu kinh tiếng kệ mà vui với cảnh bồng lai, khi chết đã đau đớn tột cùng, 32 năm trả nợ núi sông, bây giờ an bình yên nghỉ,

Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.
(NGUYỄN DU)

....Nhìn hai ngôi mộ song hành bên nhau trong khu mộ gia đình, lòng tôi đã hoàn toàn thanh thản, lần đầu tiên trong đời, tôi không còn gì để băn khoăn.

Người Việt Nam chúng ta mồ mả là điều vô cùng thiêng liêng, thể hiện sự kính trọng, tình thương, công ơn ... đối với người đã chết. Đây là tình cảm trước tiên của những người trong gia đình, bạn bè thân hữu đối với người ở bên kia thế giới. Đây cũng là điều tôi trăn trở, cố nén nỗi đau thương mất mát để quyết định  bằng mọi giá phải tìm cho ra đống tro tàn anh tôi, nằm yên dưới lòng đất sau hơn 30 năm. Cũng mong làm thỏa lòng phần nào tình thương, quan tâm của bạn bè anh tôi. (tâm sự của em tôi)



Tôi cho làm hai tấm bia thật đẹp cho hai đồng đội của mình với lòng trân kính và thương yêu, tôi tự hài lòng với chính tôi  và các bạn tôi, những ai cùng quan tâm tới hai bạn cũng đã hài lòng. Tất cả chúng ta đã làm tròn trách nhiệm với đồng đội, với những người anh em vắn số, hảy cùng tôi rót ly rượu mời dù muộn đến 32 năm


Câu chuyện chưa dừng ở đây, chúng tôi thật sự ‘sốc’ khi hay tin thi hài của Quốc vẫn còn nằm trong khu mộ tù Cải Tạo Gia Trung, việc bốc mộ Quốc rất dễ mà gia đình Quốc không làm, giấy báo tử đã về sau đó 4 năm (1983) tôi mạo muội bảo em tôi đưa di ảnh của Quốc vào chùa bên cạnh Hòa và Giám, lấy ngày Quốc chết làm ngày giỗ chung, vì tôi nghĩ rằng Quốc đã liều mình chết thay cho bạn, một hành động cao cả mà tôi phải biết ơn, chắc hương hồn Hòa và Giám cũng đồng ý như thế.



Thương thay

Khi sao đông đúc vui cười,
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
Đau đớn nhẽ không hương không khói,
Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.
(NGUYỄN DU)

Và xót xa thay

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang,
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hóa sinh.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc,
Bãi sa trường thịt nát máu rơi,
Mênh mông góc bể chân trời,
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
(NGUYỄN DU)

Và khốn khổ thay

Trời thăm thẳm mưa gào gió thét,
Khí âm huyền mờ mịt trước sau,
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
(NGUYỄN DU)

Bài viết này có thể làm buồn lòng, ân hận, đau đớn cho người đọc. Những tâm trạng này là ngoài ý muốn của tôi. Xin khép lại câu chuyện đau buồn này vào dĩ vãng, cầu mong người đi vào chốn bồng lai tiên cảnh, người còn bớt đi những nỗi đau trần thế.

Chào thân ái
Nguyễn Văn Thuận

Saturday, January 23, 2010

Nhớ lại địa ngục Kỳ Sơn-An Ðiềm

Nhớ lại địa ngục Kỳ Sơn-An Ðiềm (Trại tù cải tạo tại Quảng Nam)
Tuesday, October 03, 2006 Bookmark and Share




- 4 sĩ quan đại úy vượt trại, một mất tích và ba bị xử bắn
- Ðập Hố Ðài, cầu treo An Ðiềm, đường Trường Sơn III là mồ chôn tù VNCH
Ngày 29 Tháng Ba năm 1975, thành phố Ðà Nẵng lọt vào tay quân Cộng sản Bắc việt. Sáng sớm ngày 5 tháng 4 lệnh của cái gọi là Ủy ban quân quản thành phố à Nẵng kêu gọi toàn thể Sĩ quan quân đội VNCH (mà bọn CS xấc xược gọi là ngụy quân), khẩn trương tập trung tại số 2 đường Cường Ðể (club cũ của Mỹ thuê trước kia), để học tập trong vài ngày đến tuần lễ. Giữa cái nắng chang chang, tất cả đều xếp hàng ngũ chỉnh tề theo từng cấp bậc. Mười hai giờ trưa, cổng chính được đóng lại, tràng AK 47 vang lên giòn giã cướp tinh thần mọi người và cánh cửa địa ngục từ từ mở ra. Bên ngoài hàng rào thân nhân đứng lố nhố, vẻ mặt hoảng loạn, cố gắng ném thức ăn vào và nhìn mặt người thân. Cùng lúc từng đoàn xe tải đến đậu trên đường Cường Ðể. Lần lượt, các toán được lệnh lên xe trước những tên bộ đội mặt đằng đằng sát khí vung khẩu AK trên tay. Ðoàn xe chạy ra Ngã ba Cây Lan, hướng về Nam. Cấp chuẩn úy đến trung úy ghé vào trung tâm huấn luyện Hòa Cầm hay chạy vào Liên đoàn Công binh Kiến Tạo tại Hội An. Cấp Ðại úy đến Ðại tá tấp vào quận đường quận Ðiện Bàn (thị trấn Vĩnh Ðiện).
Sau khi thôn tính xong toàn Miền nam, tháng 7 năm 1975, Tổng trại Kỳ Sơn được hình thành tại vùng núi Kỳ Sơn, tỉnh Quảng Nam do một trung đoàn Bộ đội thuộc Quân khu 5 quản lí, và toàn thể tù binh được gom tại đây. Tổng trại Kỳ Sơn gồm 4 trại và một trạm xá, được phân chia như sau:
1/Trại I. Tọa lạc ngay cửa ngõ mỏ vàng Bông Miêu, bên bờ giòng suối Vàng, giam giữ cấp Thiếu tá cho đến Ðại tá.
2/Trại II, nằm xa về hướng tây cách trại I khoảng 3 km, dành cho cấp Ðại úy (nhưng có Ðại tá Lê văn Ðồng, tư lệnh Lữ đoàn 2 Kỵ binh lại được đưa về trại 2).
3/Trại III và trại IV nằm gần trại I, gồm cấp chuẩn úy đến trung úy, được đưa từ Hiệp Ðức về, Hòa Cầm và Hội An lên.
4/Trạm xá tù, nằm bên bờ suối Vàng, ngay trước mặt trại III, gồm khoảng 40 tù binh đủ cấp bậc và 3 bác sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Lương (người hùng cô đơn, từng ôm lựu đạn ngồi trước thêm Hạ nghị viện, bác sĩ Nguyễn Văn Cơ, Bs Nguyễn Văn Tái (tổng trại Kỳ Sơn còn vài vị Bs nữa, nhưng Bs Tôn Thất Sang, CS giữ lại các trại để bắt lao động).
Trong thời gian ở Kỳ Sơn, sau đợt học tập chính trị và viết kiểm điểm quá trình hoạt trong quân ngũ của mỗi cá nhân, bọn CS đã hèn nhát hạ sát ba vị Trung tá VNCH đó là Trung tá Võ Vàng, liên đội trưởng liên đội ÐPQ/QN, Trung tá Nguyễn Bình, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54/SÐ1 BB và Trung tá Hoàng (không rõ dơn vị). Cái dã man của tống trại Kỳ Sơn là bắt tù binh vào các đồi núi, căn cứ, trân địa trước kia, đầy mìn bẫy để cắt tranh, phát rẫy, mượn bom mìn giết tù binh, điển hình là Ð/U Nguyễn văn Ri, bị mìn chết oan, và nhiều bạn bị thương tật. Ngoài ra nhiều người chết vì bệnh tật thiếu thuốc men.
Tháng 6 năm 1977, công trình đại thủy nông Phú Ninh khởi công, đại bộ phân tù binh được lùa xuống Phú Ninh để tham gia công tác như: đãi sạn dưới lòng sông, trên nắng, dưới nước, bụng đói và tiêu chuẩn sạn rất cao, thời gian nầy thi sĩ Hạ quốc Huy có bài thơ tả cảnh tù vật lộn với đá sạn rất bi tráng “Con đường sỏi sạn còn phiêu gió ngàn”. Thời gian ngắn sau đó Hạ quốc Huy đã làm cuộc vượt thoát trại tù thành công ngoạn mục. Ngoài cát sạn lại đẵn cây lớn, hạ cây nhỏ gọi là “phát lòng hồ”.
Năm 1978 Cộng sản hiếu chiến mở cuộc xâm lăng Campuchia, trung đoàn bộ đội quản lý tù binh được lênh bàn giao cho Công an. Số phận tù binh cũng bước qua một giai đoạn mới, tàn bạo và bi thảm hơn. Công tâm mà nói, nằm dưới sự quản lí của bộ đội phần nào dễ thở hơn, khi chuyển qua cho Công an, với bàn tay sắt, cộng với lòng thù hận giai cấp và được nhồi nhét những kỹ thuật kềm kẹp, đàn áp sắt máu, cuộc đời của tù binh gặp muôn vàn thử thách cay đắng. Theo lời kể lại của một vệ binh thuộc trung đoàn quản lí tổng trại Kỳ Sơn, đào ngũ, thì trên 65% quân số trung đoàn bỏ xác trên đất Chùa Tháp.
Hơn 2/3 tổng số tù binh tổng trại Kỳ Sơn được đưa về Tiên Lãnh (thuộc vùng núi quận Tiên Phước/Quảng Nam). Số còn lại đưa về trại An Ðiềm. Trại An Ðiềm nằm trong lãnh thổ quân Thường Ðức Quảng Nam, cách Ðà Nẵng 50 km đương chim bay, nằm bên bờ sông Vàng (lại sông Vàng và suối Vàng, điềm gở) nếu đi theo đương bộ thì độ chừng 67 km, theo đương tỉnh lộ từ Hòa Cầm, lên Túy Loan, qua Gò Cà, chợ Ái Nghĩa (quân Ðại Lộc) lên đồi 55, qua Hà Tân, Hà Nha, qua đèo và đến An Ðiềm. Vùng đất nầy, từ tháng 8 năm 74 là chiến trường khốc liệt diễn ra giữa quân khu 2, Sư đoàn 304 quân Bắc Việt với các chiến sĩ tiểu đoàn 79 BÐQ/Biên phòng và sư đoàn Dù VNCH.
TRẠI AN ÐIỀM
Giữa tháng 9 năm 1978, từ trại Phú Ninh, chúng tôi được áp tải về An Ðiềm. Cơ ngơi trại giam đã được xây dựng kiên cố và bề thế với hai dãy nhà tường ciment, lợp ngói chạy dài hai bên hội trường, ngăn cách bởi những lớp hàng rào, tại đây đã có sẵn những đội tù chính trị gồm nhân viên hành chánh, cảnh sát, xã ấp, đảng phái chính trị... và thành phần tội phạm hình sự. Trong thành phần hành chánh có ba vị giáo sư trường trung học Phan Chu Trinh ÐN là Trương Văn Hậu, Lê Quang Mai và nhạc sĩ Trần Ðình Quân. Người ta ví von: “Nếu bạn bị đi cải tạo mới qua giai đoạn quân đội quản lý rồi được tha về, thì cũng như đi dự tiệc mà mới thưởng thức món khai vị, chưa qua giai đoạn Công an trị tù thì chưa biết thế nào là bốn món ăn chơi.” Quả thật vậy An Ðiềm là địa nguc trần gian, đói, đói và đói triền miên, lao động khổ sai.
Tù binh đưa về An Ðiềm được chia làm năm đội: 13, 14, 15, 16, 17. Mỗi đội gồm bảy mươi lăm người nhốt chung một phòng, chia nhau chỗ nằm rộng gần hai gang rưỡi tay (5 tấc), đêm nằm phải sắp như cá hộp Sumaco, hay nằm trở đầu để ngửi chân nhau. Ðầu năm 80, phong trào người vượt biển lên cao, và trại tiếp nhận thêm thành phần tù vượt biên, trại quá tải, do đó đội 16 được đưa lên phân trại Sườn Giữa (trực thuộc trại An Ðiềm), cách trại chính khoảng 6/7 km. trong thời gian ở Sườn Giữa, đội 16 có xẩy ra cuộc trốn trại của bốn Ð/u mà kết qủa bi thảm là hai bị bắn chết tại chỗ: Ð/U Ngọc, Ð/u Lập (Nam Kỳ), một mất tích: Ð/u Nguyễn văn Huệ (mãi đến năm 1993, người nhà Ð/u Huệ mới tìm được hài cốt của Huệ nhờ một ngươi dân tộc chỉ), một bị bắt sống và xử bắn: Ð/u Lập (cựu thủ môn đội bóng tròn trường trung học Sao Mai).
An Ðiềm, ngoài những lao động thường xuyên như cày cấy, nương rẫy, phân bón, rau xanh, thợ rèn. gạch ngói... còn có bốn công trình lớn làm đổ rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt của tù binh, đó là đập nước Hố Ðài, cầu treo An Ðiềm, đường Trường Sơn 3 (tên gọi do tù đặt), nhà máy giấy An Ðiềm.
Từ Hà Nha lên trại An Ðiềm là con đường đất chạy nấp theo dòng sông Vàng, mùa nước lũ, đường sá bị ngập lụt, lưu thông bị gián đoạn, do đó bộ khung (sở chỉ huy, danh từ của Vẹm), ra kế hoạch làm con đường chạy song song với con đường cũ, nhưng doc theo triền núi, phải xẻ núi, thời gian nầy là cuối thập niên 70 đầu thập niên 80. Quân đội của Ðặng Tiểu Bình, vượt biên giới dạy cho Bắc cộng một bài học, do đó trại đã áp dụng biện pháp kềm kẹp tối đa, biện pháp hữu hiệu nhất là quản lí dạ dày tù. Bài học VC học được của quan thầy Liên sô trong các trại lưu đày ở Seberia. Tiêu chuẩn ăn giảm, khoai, sắn, bo bo không đủ, tù đói triền miên, đói dai dẳng, đói da bụng đụng da lưng, cơn đói hành hạ, người tù không còn nghĩ đến gì ngoài cái ăn. Quà gia đình thăm nuôi, bọn cán bộ lấy lí do sợ trốn trại, bắt để trên ban thi đua. mỗi ngay chỉ được lấy vài muỗng bột, chút ít đồ ăn, lương thực thăm nuôi bị Chuột cống, chuột người, chuột trật tự, chuột thi đua gặm lần gặm mòn, chỉ vài hôm là còn lại cái bao không. Thời gian này đường Trường Sơn 3 khởi công, xẻ núi, phá đá đều dùng xà beng và cuốc, vận chuyển đất bằng quang gánh, người tù đói lả, bước đi như không có người lái.
Ðói, đói. Ngày xưa vó ngựa quân Mông cổ đi đến đâu là cỏ không mọc lên được, hôm nay dưới xã hội chủ nghĩa, người tù đi đến đâu là không còn ngọn rau dại, rau tàu bay, không còn con sinh vật nào dù là cóc, nhai, rắn rít, bò cạp, chuột, dế, châu chấu... nghĩa là con gì cử động, ngu ngoe được thì tù bắt bỏ vào mồm, chỉ trừ có con bù lon cứng quá nhai không ra mà thôi. Ðói, lao động khổ sai, nhiều người phát phù thũng, kiệt sức, những người bạn một thời cứng như thép được tôi luyện trong chiến trận như Ð/u Nguyễn Khóa (Lực lượng đặc biệt) Ð/u Ðoàn Văn Tịnh (TQLC). Ð/u Nguyễn Văn Tịnh, Ð/u Nguyễn Ðức Lại... nhất là Ð/u Nguyễn Văn Dũng, tự là Dũng tây lai, tức là nhà thơ Dũng Quốc Chinh (xin đừng nhầm với nhạc sĩ Dũng Chinh, những đồi hoa sim) Dũng Quốc Chinh là dân tây lai, to cao, đồ sộ, nhưng với tiêu chuẩn chết đói, đã làm Dũng ốm nhom như cây sậy, lại phù thũng, ngồi đâu, gục đó, khi biết không còn sống được bao lâu nữa thì VC cho về, như trường hợp Ð/u Phan Dân Hiệp, và chết tại Ðà Nẵng.
Con đường dài dưới 10 km, nhưng làm kéo dài năm nọ tháng kia vì mùa nắng làm, mùa mưa nước trên núi tràn xuống làm hư hại, vì bọn cán bộ Cộng Sản không biết làm hệ thống thoát nước, mương cống, và nỗi khổ nhọc cứ kéo dài, hay đây là cách làm cho tù chết sớm, biết đâu? Mỗi mét đường đều thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người tù binh, do đó anh em đã đặt tên là đường Trường Sơn 3, để thông cảm nỗi khổ đau của nhiêu thế hệ thanh niên miền Bắc bị cưỡng ép bỏ gia đình, người yêu đi làm con đường Trường Sơn, bỏ xác dọc dãy Trường Sơn.
Ðập nước Hố Ðài là công trình ngăn hai mõm núi nhô ra cách nhau khoảng 60m, đập cao 60m, bề rộng 20m, làm thành một hồ chứa nước rộng lớn, có thể tưới cho cả những cánh đồng chung quanh địa bàn Thượng Ðức, công tác xẻ núi vận chuyển đất và đổ mặt bằng đều bằng sức người và những dụng cụ thô sơ thời Hồ còn trong hang Pác bó, cho nên sức tù kị vắt cạn, kèm theo đói triền miên, mùa hè nắng cháy, mùa đông mưa phùn giá lạnh, gió núi buốt tim gan, nhiều tù binh ngã gục.
Sau một năm dài vật lộn với công trình được mệnh danh là “Với sức người (sức tù) sỏi đá cũng thành cơm”. Ðập Hố Ðài cơ bản đã hoàn thành, những khúc nhạc của những nhạc nô đã cho hát lải nhải trên loa phóng thanh. Một đêm khuya mưa gió đầy trời, tù đang thao thức chống đỡ với đói và lạnh, bỗng một tiếng nổ vang như sấm dậy, đập Hố Ðài bị vỡ, nước tràn ra như thác đổ, kéo theo đất san bằng những thửa ruộng quanh trại và một trại chăn nuôi gia cầm, thể hiện đúng châm ngôn của những đỉnh cao trí tuệ: “Làm đâu hư đó, hư đâu sửa đó, sửa đâu hư đó”.
Công trình thứ hai là cầu treo An Ðiềm, dòng sông Vàng mùa hè cạn khô, có thể lội qua được, nhưng vào mùa nước lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, dâng cao, cô lập trại với cánh đồng Hà sung, lò gạch ngói với trại, do đó chiếc cầu treo được thiết kế và thi công, cũng với hai bàn tay tù và những dụng cụ thô sơ, lên núi khiêng đá xuống để kè và lặn xuống nước làm móng cầu, công tác vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm. Trung úy chiến tranh chính trị Lê Quý Kỳ, cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng QT, đã bị đá đè sập hầm chết. Ngoài ra còn có nhà máy giấy An Ðiềm là những cỗ máy nghiền nát thân thể gầy còm của người tù.
NGƯỜI ANH HÙNG MANG TÊN THỤC
Sau cái ngày được gọi là Quốc khánh (mồng 2 tháng 9) năm 1988, đợt tù binh cuối cùng rời khỏi trại An Ðiềm, duy chỉ còn một người còn ở lại và được chuyển về trại A30 Hàm Tân -Thuận Hải. Ðó là nghị viên thành phố Huế, nguyên Thiếu tá BÐQ, quận trưởng quận Phú Vang tên Thục (chúng tôi xin lỗi vì đã quên họ của anh). Anh là tấm gương bất khuất trước bạo lực, trước những gông cùm tàn bạo của công an trại. Anh luôn luôn đấu lý với công an trại và nhìn thẳng vào mắt kẻ thù, mặc dầu bị cùm một chân, kẹp hai chân, không ăn thua, bỏ đói, bỏ khát.
Không khuất phục được anh, đói khát chào thua anh, anh chống đối bọn cai tù và chính sách tàn bạo của CS ra mặt, do đó bọn nó đã tạo ra vở kịch rất tồi, cáo buộc anh âm mưu giết cán bộ, cướp súng để trốn trại, chúng lập tòa án và kết án anh 20 năm. Khi tất cả tù chính trị rời An Ðiền sau 13 năm sống dở chết dở, thì anh lại về một địa ngục khác. Tên tuổi anh sẽ không bao giờ phai trong ký ức những bạn tù của anh ở An Ðiềm.
Bao năm trôi qua, những ngày tháng ở trại cải tạo là những ngày kinh hoàng, và hôm nay nhớ lại vẫn không thể tin sức người có thể vượt qua được, âu cũng là một phép lạ.
TRƯƠNG ÐỨC THỦY
(Nguyên đại úy trưởng toán Lôi Hổ, viết lại nhân ngày hội ngộ bạn tù An Ðiềm 17/9/2006 tại Nam Cali)